Giấy chứng nhận là con người 1

Giấy chứng nhận làm người

Câu truyện phản ánh xã hội cứng nhắc, thiếu nhân ái, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau hơn là tuân thủ mù quáng quy định.

Giấy chứng nhận là con người

“- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?”

Trên đoàn tàu Thống Nhất Bắc Nam, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách:

– Vé tàu!

Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người, từ trên xuống dưới, một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra. Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:

– Đây là vé trẻ em.

Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp:

– Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?

Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:

– Anh là người tàn tật?

– Vâng, tôi là người tàn tật.

– Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.

Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:

– Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em

Cô soát vé cười gằn:

– Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?

Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên – Anh chỉ còn một nửa bàn chân. Cô soát vé liếc nhìn, bảo:

– Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!

Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:

– Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…

Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình. Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật …Trưởng tàu cũng hỏi:- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?

Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật. Sau đó, anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình. Trưởng tàu cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:

– Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.

Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:

– Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi. Trưởng tàu nói kiên quyết:

– Không được!

Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:

– Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.

Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:

– Cũng được.

Một đồng chí lão thành tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên, nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:

– Anh có phải đàn ông không?

Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:

– Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?

– Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?

– Đương nhiên tôi là đàn ông!

– Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?

Mọi người chung quanh cười rộ lên. Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:

– Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?

Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:

– Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông, sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông, không phải đàn ông.

Vị trưởng tàu ngay một lúc không biết ứng phó ra sao. Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:

– Tôi không phải đàn ông. Có chuyện gì ông cứ nói với tôi.

Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:

– Cô hoàn toàn không phải người!

Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:

– Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?

Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:

– Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào…

Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.

Chỉ có một người không cười.

Câu truyện muốn truyền đạt ý niệm về sự cứng nhắc và thiếu linh hoạt trong hệ thống quản lý xã hội, cũng như sự thiếu nhân ái trong cách ứng xử với những người có hoàn cảnh khó khăn. Qua việc yêu cầu giấy tờ chứng minh một cách máy móc mà không quan tâm đến bằng chứng thực tế trước mắt, câu chuyện phản ánh về một xã hội mà trong đó quy định và thủ tục giấy tờ trở nên quan trọng hơn là sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau giữa con người.

Đồng thời, nó cũng chỉ ra sự mâu thuẫn trong việc đánh giá và nhìn nhận một người dựa trên những tiêu chí hình thức bên ngoài mà không xem xét đến bản chất và hoàn cảnh thực tế của họ. Câu chuyện khuyên nhủ mọi người nên có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị con người và tình thương mến chia sẻ với nhau, thay vì chỉ dựa vào những quy định cứng nhắc.

(Sưu tầm)

Chia sẻ ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 bình luận

Đang tải dữ liệu
  1. Lê Nhựt Lâm

    Ở Việt Nam, có thể lấy căn cước công dân xác minh được không anh nhỉ?